“Nghe những lời giận dữ đó của Ra-ma, Gia-na-ki đau đớn đến nghẹt thở, như một cây dây leo bị vòi voi quật nát. Nghe những lời tố cáo chưa từng có, trước đông đủ mọi người, Gia-na-ki xấu hổ cho số kiếp của nàng. Nàng muốn tự chôn vùi cả hình hài thân xác của mình. Mỗi lời nói của Ra-ma xuyên vào trái tim nàng như một mũi tên. Nước mắt nàng đổ ra như suối. Lấy tà áo lau nước mắt, rồi bằng giọng nghẹn ngào, nức nở, nàng nói: “Cớ sao chàng lại dùng những lời gay gắt khó tả như vậy đối với thiếp, giống như một kẻ thấp hèn chửi mắng một con mụ thấp hèn? Thiếp đâu phải là người như chàng tưởng! Thiếp có thể lấy tư cách của thiếp ra mà thề, hãy tin vào danh dự của thiếp. Suy từ hành vi của loại phụ nữ thấp hèn, chàng đã ngờ vực tất cả phụ nữ, nhưng như thế đâu có phải. Nếu chàng hiểu thiếp chút đỉnh, xin hãy bỏ mối ngờ vực không căn cứ đó đi.
Chàng xem, Ra-va-na đã đụng tới thiếp khi mà thiếp đang chết ngất đi, làm thế nào tránh được? Về điều đó chỉ có số mệnh của thiếp là đáng chê trách, nhưng những gì nằm trong vòng kiểm soát của thiếp, tức trái tim thiếp đây, là thuộc về chàng. Thiếp có thể làm gì với cái thân thiếp đây, bởi nó có thể phụ thuộc vào kẻ khác, khi thiếp hoàn toàn ở dưới quyền lực của hắn. Thiếp còn gì là thanh danh nếu như chàng vẫn chưa hiểu được thiếp qua tình yêu của thiếp và qua tiếp xúc với tâm hồn của thiếp. Hồi chàng phái Ha-nu-man dò tin tức về thiếp, cớ sao chàng không gửi cho thiếp lời nhắn nhủ chàng từ bỏ thiếp? Nếu thế thì thiếp đã kết liễu đời mình ngay trước mặt chàng Va-na-ra đó rồi. Mà sự thể đã như vậy thì chàng chẳng cần mạo hiểm để có thể nguy hại đến thân mình; và các bạn hữu của chàng khỏi phải chịu những phiền muộn, đau khổ. Hỡi Đức vua! Như một người thấp hèn bị cơn giận giày vò. Người đang nghĩ về thiếp như một phụ nữ tầm thường. Tên thiếp là Gia-na-ki, bởi thiếp có liên quan đến lễ tế sinh của nhà vua Gia-na-ka chứ không phải vì thiếp sinh ra trong gia đình đó; chỉ có nữ thần Đất là mẹ của thiếp thôi. Vì không thể suy xét cho đúng đắn, chàng không thấy được bản chất của thiếp. Chàng không nghĩ đến vì sao hồi còn thanh niên chàng đã cưới thiếp. Tình yêu của thiếp, lòng trung thành của thiếp nay xem ra hoàn toàn vô ích!”
( Trích Ra-ma-ya-na, tập III, theo bản dịch ra văn xuôi của PHẠM THUỶ BA, NXB Văn học, Hà Nội, 1989)
Câu 1. Xác định ngôi kể của đoạn trích.
Câu 2. Nêu nội dung chính của đoạn trích.
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ trong biệp pháp tu từ về từ trong đoạn văn đầu tiên.
Câu 4. Lập luận trong cách trả lời của nàng Gia-na-ki với chàng Ra- ma như thế nào? Nêu nhận xét về những lời lập luận đó.
Câu 5. Qua đoạn trích, em có nhận xét gì về vẻ đẹp của nàng Gia-na-ki?
Câu 6. Từ lời nói của nàng Gia-na-ki trong đoạn trích, hãy viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ trong đời sống hôm nay.